Mail: gioau@gioau.com và mvznxz@yahoo.com

Quay vê trang chinh:

Việc các binh sĩ gìn giữ hòa bình Trung Quốc ở LHQ bỏ chạy thoát thân khi làm nhiệm vụ tại Nam Sudan dường như cho thấy tham vọng nước lớn và trách nhiệm của Bắc Kinh còn khá xa vời


  1. Lính Trung Quốc làm nhiệm vụ ở Nam Sudan. Ảnh: New China

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc vào năm 1971. Tuy nhiên, vào cuối những năm 70, Trung Quốc từ chối góp kinh phí cho các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và sự tham gia của nước này trong nỗ lực gìn giữ hòa bình hoàn toàn mờ nhạt.

Kể từ năm 1990, 19 năm sau khi gia nhập Liên Hợp Quốc, Trung Quốc mới tham gia các sứ mệnh của tổ chức quốc tế, trong đó có các hoạt động gìn giữ hòa bình và viện trợ nhân đạo. 

Nhiều năm gần đây, Trung Quốc tăng cường cử công binh và lính tới nước ngoài. Cho tới nay, quốc gia đông dân nhất thế giới trở thành một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đóng góp nhân sự nhiều nhất trong lực lượng gìn giữ hòa bình tại các điểm nóng xung đột như ở châu Phi và Trung Đông. 

Những toan tính

Theo Daniel Lynch, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nam California, nhận định, Trung Quốc đang chịu rất nhiều áp lực để được coi là một cường quốc có trách nhiệm khi sức mạnh kinh tế và quân sự của họ đang gia tăng. Bắc Kinh chắc chắn cũng đã rất vất vả khi tìm cách cải thiện hình ảnh của mình.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng ẩn sau nỗ lực ấy là hàng loạt động cơ từ chính trị, ngoại giao tới kinh tế.  Giới chỉ trích chính sách của Trung Quốc lên tiếng rằng việc Bắc Kinh giúp đỡ các quốc gia châu Phi - nơi nước này chọn các phái bộ để thực thi nhiệm vụ gìn giữ hòa bình - chủ yếu là do khao khát nguồn tài nguyên dầu mỏ và nhiên liệu nhằm "phục vụ" nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu, năng lượng ngày càng tăng. Trung Quốc duy trì quan hệ mật thiết với các nước xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt ở Lục địa đen, hay những nước có trữ lượng kim loại quý như Nam Phi, Zimbabwe.

Ngoài ra, vấn đề quan hệ thương mại với các nước cũng được Bắc Kinh chú trọng và coi đó là một trong những ưu tiên khi lựa chọn các phái bộ để thực thi nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Nhiều ý kiến khác thì cho rằng, động thái của Trung Quốc là một cách ngăn vùng lãnh thổ Đài Loan tiến tới hoặc duy trì quan hệ ngoại giao với các nước châu Phi. 

Thậm chí, các nhà quan sát còn nghi ngờ việc Trung Quốc rầm rộ đưa quân tới Nam Sudan là để buôn vũ khí. Bà Elizabeth Deng thuộc tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết, đã tìm ra các bằng chứng về lượng lớn vũ khí được vận chuyển tới Nam Sudan từ một nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc.

Số lượng lớn, yêu cầu cao...

Theo số liệu trên trang web của chính phủ Trung Quốc năm 2015, nước này đã điều động tổng cộng hơn 31.000 binh lính tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Chính phủ Trung Quốc cũng ca tụng các binh sĩ nước này “đã có đóng góp tuyệt vời nhằm thúc đẩy việc giải quyết các tranh chấp bằng hòa bình, bảo vệ an ninh và ổn định khu vực, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội ở các nước có liên quan, và được sự hoan nghênh rộng khắp của cộng đồng quốc tế”.

Trung Quốc đặt ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt cho việc lựa chọn và đào tạo nhân viên lực lượng gìn giữ hòa bình. Để được lựa chọn tham gia chương trình đào tạo chuyên sâu của chính phủ, ứng viên ít nhất phải 25 tuổi, có trình độ đại học và ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp trong ngành an ninh công cộng.

Ngoài ra, họ phải có bằng tiếng Anh, kinh nghiệm 2 năm lái xe và tình trạng thể chất và tinh thần ở mức cao nhất. Ví dụ trong quá trình sàng lọc năm 2004, chỉ khoảng 10% trong số 500 ứng viên có đủ điều kiện. 

... nhưng liệu có gan dạ và xả thân?

 
Hình ảnh các binh sĩ lực lượng gìn giữ hòa bình Trung Quốc trong vụ xung đột tại Nam Sudan ngày 11/7. Ảnh: Huanqiu

VOA dẫn thông tin từ tổ chức nhân quyền Center for Civilians in Conflict (một tổ chức bảo vệ thường dân trong các cuộc xung đột, có trụ sở tại Washington) cho hay, hôm 11/7, các binh sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của Trung Quốc đã tự ý bỏ chốt gác và ... tháo chạy khi hơn 100 phiến quân tấn công căn cứ của Liên Hợp Quốc tại thủ đô Juba, Nam Sudan.

Trong khi các binh sĩ Ethiopia còn giúp sơ tán thường dân và có lúc bắn trả, thì lính Trung Quốc chỉ lo thoát thân, bỏ lại vũ khí đạn dược, thậm chí bỏ mặc 5 nhân viên cứu trợ quốc tế bị hãm hiếp.

Nhiệm vụ của lực lượng gìn giữ hòa bình là bảo đảm an ninh cho các địa điểm đặt căn cứ của Liên Hợp Quốc và bảo vệ những người dân thường tại khu vực có xung đột. Ấy vây mà không hiểu vì lý do gì binh sĩ Trung Quốc lại bỏ chốt gác và các nhân viên cứu trợ để bảo toàn tính mạng cho riêng mình.

Đó phải chăng là sự thiếu chuyên nghiệp hay nhát gan?

Vụ việc khiến chúng ta liên tưởng tới câu chuyện lịch sử của hải quân nhà Thanh đã phải trả giá đắt khi đối đầu với quân Pháp trong trận hải chiến Thập Phổ năm 1885. Khi đó, quân Pháp sử dụng 2 tàu phóng ngư lôi loại nhỏ để tấn công quân Thanh. Bị tấn công bất ngờ, binh lính Trung Quốc chỉ lo cho mạng sống của mình mà không quan tâm tới số phận của con tàu. Rút cục, cả hai tàu chiến của Trung Quốc trong vịnh Thập Phổ đều bị đánh đắm.

Một trung úy Pháp sau này nhận xét, nếu quân nhà Thanh có ý chí chiến đấu để phản công ngay những giây phút cuối cùng, họ có thể đẩy lui được tàu phóng lôi của đối phương và tránh được thảm họa, và thậm chí có thể đánh đắm chúng. Tuy nhiên, sự hèn nhát đã "đánh chìm" tất cả.

Và giờ đây, hành động bỏ chạy thoát thân khi gặp nguy hiểm của lính gìn giữ hòa bình của Trung Quốc khi đang làm "nhiệm vụ cao cả" ở nước ngoài liệu có giúp nước này hoàn thành được "mộng lớn"? Có giúp Bắc Kinh thể hiện vai trò và trách nhiệm của một cường quốc đối với tình hình thế giới hay vẫn chỉ là những kẻ bỏ chạy khi đối diện với nguy hiểm?

Mail: gioau@gioau.com và mvznxz@yahoo.com

Quay vê trang chinh: